Đăng bởi

Dấu ấn văn hóa, lịch sử tại di tích đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Dấu ấn văn hóa, lịch sử tại di tích đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo được Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia năm 1991, là nơi thờ phụng và tưởng nhớ vị Trạng Nguyên liêm khiết được người đời vô cùng kính trọng.

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585) sinh ra trong một gia đình vọng tộc tại thôn Cổ Am, huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương (nay là huyện Vĩnh Bảo, Tp. Hải Phòng). Năm 1535, ông thi đỗ Trạng nguyên và ra làm quan cho nhà Mạc, giữ chức Tả thị lang. Năm 1543, Nguyễn Bỉnh Khiêm dâng sớ trảm 18 đình thần biến chất, mưu phản song không được nhà vua chấp thuận. Ông bèn cáo quan về ở ẩn nơi quê nhà, lập am Bạch Vân, mở trường dạy học, làm thơ, nghiên cứu kinh sử.

Dấu ấn văn hóa, lịch sử tại di tích đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm đều trở thành những danh tướng, Trạng nguyên lưu danh sử sách như Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Quyền… Nguyễn Bỉnh Khiêm còn là nhà triết học lớn của Việt Nam. Ông cũng tinh thông về thuật số, được dân gian truyền tụng và suy tôn là “nhà tiên tri” số một của Việt Nam với hàng loạt những lời tiên tri cho hậu thế mà người đời gọi là “Sấm Trạng Trình”. Hiện tại, những câu chuyện về lời sấm truyền của Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn được lưu truyền và nghiên cứu.

Đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là quần thể di tích mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử. Bước qua cổng tam quan với 3 chữ Hán “Trung Am từ” (đền Trung Am) là khu đền chính thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đền có 3 gian tiền đường và 2 gian hậu cung được lập nên từ nền nhà cũ của quan Trạng. Đền được xây sau khi Trạng Trình mất (1585), là nơi đặt tượng thờ và bài vị của người. Tượng Trạng Trình được làm bằng gỗ, ngồi trên ngai, mình mặc áo rồng vua ban, đầu đội mũ cánh chuồn, tay phải cầm cuốn tập giơ lên như đang giảng bài cho các học trò. Phía trước đền, 2 con rồng đá ngự bên bức bình phong như trang sách mở ra tôn thêm vẻ trang nghiêm.

Dấu ấn văn hóa, lịch sử tại di tích đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Phía trước đền là hồ Thái Nhâm rộng khoảng 1.000m², trên khoảng đất giữa hồ có cầu bắc qua còn tấm bia đá làm năm Vĩnh Hựu nhà Lê (1736) ghi lại quá trình và tên những người đã đóng góp xây dựng đền. Phía sau đền là nhà thờ thân sinh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm bằng gỗ nằm giữa tán cây um tùm, bồn hoa được cắt tỉa chu đáo. Tiếp đến là khu nhà được lợp bằng cói mô phỏng Bạch Vân Am trước đây. Nằm ở bên phải đền thờ Trạng Trình, khu vườn tượng với những bức tượng kích thước và hình dáng như thật diễn tả cuộc đời dạy học thanh bạch của quan Trạng.

Dấu ấn văn hóa, lịch sử tại di tích đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Sừng sững ở trung tâm quần thể di tích, tượng đài Nguyễn Bỉnh Khiêm bằng đá cao 5,7m, nặng 8,5 tấn uy nghiêm qua bao mùa mưa nắng. Lư hương bên tượng đài lúc nào cũng nghi ngút khói hương. Hai bức phù điêu lớn với những nét điêu khắc tinh xảo của các nghệ nhân đã dựng lên những thước phim sống động về những thăng trầm trong cuộc đời danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tượng đài hướng ra hồ bán nguyệt có hàng liễu xanh rủ bên bờ, lưng tựa vào ngọn núi sấm sừng sững.

Bên trái tượng đài là chùa Song Mai trầm mặc văng vẳng tiếng chuông chiều; tháp bút Kình Thiên, tương truyền được học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm dựng lên thể hiện niềm tôn kính, ca ngợi tài năng của cụ như trụ cột chống trời; Quán Trung Tân bên bờ sông Hàn, nơi quan Trạng vẫn thường ngồi câu cá và nghĩ suy thế sự…

Ngày nay, khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được xây dựng khá khang trang, là nơi tổ chức các lễ hội lớn kỷ niệm ngày sinh (10/4 âm lịch) và ngày mất (28/11 âm lịch) của danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm, thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước đến dâng hương tưởng niệm.