Đăng bởi

Những nét đặc trưng trong văn hóa Thái Lan

Những nét đặc trưng trong văn hóa Thái Lan

Văn hóa Thái Lan đa dạng màu sắc là một trong những điểm mạnh giúp đất nước này thu hút được lượng lớn du khách mỗi năm.

1. Văn hóa chào hỏi

Trong tiếng Thái, cách chào hỏi đã tồn tại từ rất lâu đời, nó được gọi là “Wai”. Theo đó, khi chào, người Thái chắp tay giống như cầu nguyện đưa lên ngực hoặc đầu và cúi đầu chào. Đối với người Thái, đây là hành động được cho là kính trọng người đối diện và là truyền thống lâu đời của người dân nơi đây. Với người Thái, “Wai” không chỉ là phương thức để chào hỏi, mà nó còn là một cử chỉ cao quý. Tư thế khi chào có điểm giống với hình dáng búp sen e ấp, một biểu tượng thiêng liêng trong văn hóa Phật giáo.

2. Văn hóa tôn giáo

Một nét đặc trưng của văn hóa Thái Lan mà ai cũng phải nhắc đến là Phật giáo. Nơi đây được coi là đất nước của Phật giáo. Giống như Lào, Phật giáo ở xứ sở này được coi là Quốc giáo, với khoảng 90% dân số là tín đồ đạo Phật. Người Thái chịu ảnh hưởng sâu sắc từ đạo Phật nên họ rất sùng đạo, tôn kính hoàng gia và các thứ bậc cũng như tuổi tác, bạn có thể thấy rõ tư tưởng trên qua các lễ hội ở Thái.

Họ rất kiêng kị việc chụp ảnh, quay phim hoặc có những hành động thiếu tôn trọng, coi thường tượng Phật. Việc nữ giới lại gần hay chạm vào các nhà sư là một điều cấm kỵ ở Thái Lan. Và kể cả trên xe bus công cộng, khi bạn thấy một nhà sư bạn cũng không được ngồi gần họ. Tất nhiên Phật Giáo cũng quy định các nhà sư tuyệt đối không được đụng chạm vào nữ giới.

3. Sự tôn kính với Hoàng gia

Hoàng gia là nền tảng trong văn hóa Thái Lan, những người trong hoàng gia luôn được người dân Thái Lan kính trọng nhất. Sẽ là một sai lần lớn nếu bạn có những nhận xét xấu về đức Vua hay bất kì ai trong hoàng tộc, dù chỉ là đùa. Một trong những phong tục khác của Thái là phải đứng khi hát bài “hoàng ca” ở các sự kiện thể thao, phim ảnh hay các sự kiện công khai khác.

4. Tự hào dân tộc

Niềm tự hào dân tộc là một phần rất lớn trong tâm lý của mỗi người dân Thái Lan. Quốc ca của họ được phát vào hai lần mỗi ngày. Và mỗi khi Quốc ca vang lên thì mọi người dân dù đang ở đâu cũng phải ngừng lại, đứng thẳng với niềm tự hào dân tộc. Bên cạnh đó, mọi hành động xâm phạm quốc kỳ cũng là điều tối kỵ.

5. Cẩn trọng trong cách ăn mặc

Việc ăn mặc gọn gàng là cách thể hiện lòng kính trọng đối với tôn giáo của người Thái. Các khu vực tôn giáo rất nhạy cảm trong việc ăn mặc. Bạn có thể tự do vào chùa cầu nguyện hay viếng thăm Cung điện tại Thái Lan khi đi du lịch, nhưng cần phải chú ý cách ăn mặc, nhất là đối với nữ giới tuyệt đối không được mặc quần, váy ngắn khi vào chùa. Hãy mặc quần áo chỉnh tề, lịch sự và tuyệt đối không nên đi dép lê khi ghé thăm những nơi linh thiêng.

6. Kiềm chế cảm xúc

Trong cuộc sống hàng ngày, người dân Thái Lan thường chú ý giữ gìn cuộc sống vui vẻ, đầy lạc quan. Đó là lý do Thái Lan cũng được gọi là “đất nước của những nụ cười”. Trong văn hóa Thái, việc thể hiện cảm xúc tích cực trong các giao tiếp xã hội cũng rất quan trọng. Giận dữ là điều không thể tha thứ ở Thái Lan, nếu ai đó bắt đầu nóng giận, họ thường bỏ đi để có thời gian bình tĩnh lại.

7. Màu sắc trang phục Thái Lan

Tuy màu sắc trang phục không phải là quy định bắt buộc tuy nhiên người dân Thái Lan thường sẽ mặc trang phục màu vàng vào ngày đầu tuần vì đây được xem là ngày chào mừng sự ra đời của nhà Vua và mặc màu xanh dương vào thứ 6 như chào mừng ngày ra đời của Hoàng hậu.

8. Màu sắc món quà khi tặng

Đến Thái Lan, bạn cần lưu ý màu sắc khi chọn quà tặng, với người Thái món quà tặng không bao giờ được gói trong giấy màu xanh lá, đen và xanh dương vì với họ màu này là màu của sự xui xẻo, liên quan đến đám tang. Và cũng không nên chọn hoa vạn thọ hay cẩm chướng vì nó tượng trưng cho những điều không may mắn.

9. Ăn uống lịch sự

Sự tinh tế của người Thái còn được thể hiện qua văn hóa trong ẩm thực của họ. Sẽ có đầy đủ các dụng cụ trong mỗi bữa ăn, tuy nhiên mỗi dụng cụ đều có công dụng riêng nên bạn hãy thử tìm xem cái nào sẽ phù hợp với món mình đang ăn. Ví dụ, dùng đũa khi ăn bún, dùng muỗng và nĩa khi ăn cơm. Thường các nhà hàng sẽ phục vụ thức ăn trong các dĩa lớn, sau đó mọi người mới lấy về chén của mình. Nếu bạn lấy nhiều thức ăn và ăn nhanh sẽ trở thành người thô lỗ trong mắt của rất nhiều người. Một trong những truyền thống khác của Thái là chừa lại một ít thức ăn trên dĩa ở cuối bữa ăn để nói rằng bản thân đã ăn đủ và không cần dọn thêm thức ăn nữa.

Vậy thì bạn còn chần chờ gì mà không sắp xếp hành lý để bắt đầu hành trình đến Thái Lan? Nhớ ghé thăm Sakos để tìm kiếm bạn đồng hành chất lượng cho chuyến đi thú vị này nhé!