Thay vì những hàng rào kiên cố thì trên thế giới có không ít đường biên giới, ranh giới độc đáo giữa các quốc gia với nhau.
Nhắc đến biên giới quốc gia chắc hẳn bạn sẽ nghĩ đến những bức tường kiên cố bằng bê tông, sắt thép khổng lồ. Nhưng thực tế không chỉ có vậy thôi đâu, trên thế giới còn rất nhiều đường biên giới được phân định bởi các địa điểm tự nhiên như sông, núi, hoặc, các đồn biên giới hay khu phi quân sự, hoặc đơn giản chỉ là một cột mốc nhỏ. Cùng Sakos.vn tìm hiểu về những đường biên giới độc đáo nhất hành tinh nhé!
1. Đỉnh Everest – Biên giới Nepal và Trung Quốc
Nhắc đến đỉnh Everest chắc chắn bạn sẽ nghĩ nó là đỉnh núi cao nhất thế giới đúng không? Tuy nhiên, ít ai biết, nóc nhà của thế giới cũng chính là biên giới của Trung Quốc và Nepal đó. Vì vậy, đỉnh Everest còn là khu vực biên giới cao nhất thế giới nữa.
Để tìm được điểm biên giới đặc biệt này, bạn phải leo lên đỉnh núi cao nhất thế giới – Everest. Đỉnh núi có độ cao 8.848m so với mực nước biển, thuộc dãy núi Himalaya. Độ cao của đỉnh Everest được Nepal và Trung Quốc chính thức công nhận vào năm 1955. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cuộc tranh luận về chiều cao chính xác của đỉnh núi này bởi trên thực tế, hàng năm, đỉnh núi Everest lại cao hơn lên một chút.
2. Chiếc bàn tam giác là biên giới giữa Áo, Slovakia và Hungary
Bạn có bao giờ tưởng tượng mình sẽ dùng bữa sáng hay uống một ly cà phê cùng lúc ở ba quốc gia trong không gian xanh mướt của một đồng cỏ không? Nếu muốn, hãy ghé thăm chiếc bàn độc nhất vô nhị này nhé.
Chiếc bàn tam giác có 3 cạnh là đường biên giới 3 quốc gia Áo – Slovakia – Hungary và còn có biểu tượng của ba nước để bạn biết mình đang ngồi ở quốc gia nào nữa đấy. Bạn có thể dành một chút thời gian để nghỉ ngơi, ngồi tại chiếc bàn và ngắm nhìn phong cảnh ở 3 quốc gia này cùng một lúc.
3. Baarle-Nassau, thị trấn biên giới giữa Hà Lan và Bỉ
Cũng độc đáo không kém chiếc bàn tam giác chính là thị trấn Baarle-Nassau, nơi có chung đường biên giới phức tạp giữa Hà Lan và Bỉ. Trên bản đồ, có hơn 20 mảnh đất riêng biệt của Bỉ đan xen với Hà Lan giống như một tấm chăn chắp vá vô cùng thú vị. Đây là kết quả từ những hiệp ước giữa hai nước từ thời trung cổ và hoán đổi đất trong nhiều năm qua.
Để giữ mọi thứ theo trật tự, hai nước đã thống nhất xác định biên giới bằng cách vẽ dòng chữ thập dọc trên đường phố của thị trấn Baarle-Nassau. Đường biên giới được phân định chính xác đến mức phân chia ngang qua cả những cửa hàng, bãi cỏ và thậm chí là quán cà phê. Có những lúc, theo luật pháp Hà Lan, các nhà hàng bên biên giới Hà Lan phải đóng cửa sớm, các nhân viên phục vụ đã mời khách hàng ngồi sang bàn ở phía biên giới Bỉ, một điều vô cùng thú vị và độc đáo đúng không? Chưa đâu, việc bầu cử cũng là một thách thức đối với thị trấn đặc biệt này đó. Đối với những ngôi nhà bị chia cắt bởi đường biên giới, thị trấn sẽ xác định quốc tịch của người dân theo vị trí cửa trước của mỗi căn nhà.
4. Bức tranh đồng cỏ là biên giới Ba Lan – Ukraine
Trong suốt tháng 6 và 7/2011, nghệ sĩ Jarosław Koziara cùng các nghệ sĩ Ba Lan và Ukraine đã trồng nhiều hạt giống để tạo hình chú cá nằm ở hai quốc gia. Qua đó, Koziara muốn thể hiện thông điệp văn hóa và thiên nhiên đã vượt ra khỏi biên giới do con người tạo nên. Đây cũng là biểu tượng cho sự hợp tác giữa nghệ sĩ hai nước, nhằm kỷ niệm sự giao thoa nghệ thuật và thiên nhiên của Ba Lan và Ukraine.
5. Cầu Oresund, nửa chìm nửa nổi nối Đan Mạch và Thụy Điển
Cây cầu Oresund được xem như là một trong những thành công đáng tự hào và nổi tiếng bậc nhất thế giới. Nó được biết đến như một cây cầu vĩ đại nối liền 2 quốc gia Thụy Điển và Đan Mạch. Cây cầu này nối thủ đô Copenhagen của Đan Mạch và thành phố Malmo, thành phố lớn thứ 3 của Thụy Điển và được xem như một kiệt tác kiến trúc độc đáo do con người tạo dựng.
Điểm thú vị của Oresund chính là sự kết hợp giữa một cây cầu dây văng dài 8km và một đường hầm ngầm dưới biển dài 4 km. Chính vì thế, nhìn từ trên cao cây cầu như đột ngột biến mất giữa biển khơi. Oresund được thiết kế bởi kiến trúc sư George K.S. Rotne, thuộc công ty COWI của Đan Mạch. Cây cầu và hệ thống ngầm được khởi công vào năm 1995, mở cửa đón những vị khách đầu tiên vào ngày 1/7/2000. Vì chạy qua eo biển thuộc đồng thời cả Đan Mạch và Thụy Điển, Oresund do cả hai quốc gia cùng quản lý. Từ khi hoàn thành đến nay, Oresund trở thành biểu tượng ngoại giao của cả Đan Mạch và Thụy Điển.
Nếu là một tín đồ du lịch, thích khám phá những điều độc đáo trên thế giới thì còn ngại gì mà không xách balo lên và thực hiện ngay một chuyến check-in tại các địa điểm đặc biệt trên. Đừng quên ghé ngay các cửa hàng Sakos.vn để lựa chọn người bạn đồng hành cho chuyến đi nhé!