Chợ nổi Cái Răng là loại hình chợ độc đáo và đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Khám phá Chợ nổi Cái Răng nổi tiếng và trải nghiệm hòa mình vào đời sống của người dân miền Tây sông nước chắc chắn sẽ để lại trong bạn nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong chuyến du lịch Cần Thơ.
Lịch sử hình thành Chợ Nổi Cái Răng
Chợ nổi Cái Răng Cần Thơ mang nét đặc trưng chung của các khu chợ nổi miền Tây là nằm ngay ngã 3 sông (nhánh sông Cái Răng và sông Hậu). Vị trí này có mực nước không sâu không cạn để thuyền bè dễ dàng neo đậu, di chuyển. Nơi này cũng nằm gần một ngôi chợ trên bờ và một vựa trái cây lớn.
Theo truyền thuyết địa phương, tên gọi “Cái Răng” có nguồn gốc từ một câu chuyện về một con cá sấu khổng lồ. Con cá sấu này có hàm răng to lớn, đã cắm vào miệng đất, tạo nên hình dáng độc đáo nơi đây. Khi chợ nổi Cái Răng hình thành, người dân địa phương quyết định đặt tên chợ theo truyền thuyết này.
Trước kia, chợ Cái Răng bán chủ yếu là các mặt hàng nông sản và mỗi ghe chỉ chuyên bày bán một loại mặt hàng nhất định. Tuy nhiên, hiện nay chợ đã bán đa dạng hơn như ẩm thực, các món đồ gia dụng và những thứ thiết yếu cho cuộc sống trên sông.
Năm 2016, chợ nổi Cái Răng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, và nó đã được tạp chí du lịch Rough Guide của Anh Quốc bình chọn là một trong 10 khu chợ ấn tượng nhất trên thế giới.
Thời điểm lý tưởng để khám phá
Thời điểm thích hợp để bạn đến Chợ nổi Cái Răng Cần Thơ khám phá là từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau vì tiết trời nắng ráo dễ dàng tham quan phiên chợ. Đây cũng là lúc hoa quả vào mùa thu hoạch. Vào tháng 5 đến tháng 12, Cần Thơ vào mùa mưa nên các hoạt động buôn bán trên chợ đôi khi phải tạm ngừng.
Khác hoàn toàn với chợ trên đất liền, chợ nổi Cái Răng Cần Thơ và các chợ nổi khác của các tỉnh thành miền Tây đều họp từ rất sớm. Từ 4h – 5h giờ sáng là thời gian thích hợp để đi chợ nổi Cái Răng Cần Thơ. Đến trung tâm chợ tầm khoảng 6h sáng, lúc này bạn có thể ăn sáng ngay trên ghe thuyền là vừa đẹp.
Bến tàu và giá vé tham quan Chợ Nổi Cái Răng
Các tàu du lịch và tour thường tập trung tại bến Ninh Kiều, nằm trên đường Hai Bà Trưng. Trong đó, tuyến phổ biến nhất đó là bến Ninh Kiều – cầu Cần Thơ – miệt vườn – xưởng kẹo dừa – lò hủ tiếu truyền thống kéo dài khoảng 4 tiếng đồng hồ.
Mức giá thuê tàu thuyền tham khảo:
- Từ 1 – 7 khách đi: 500.000đ/tàu
- Từ 8 – 15 khách đi: 600.000đ/tàu
- Từ 16 – 30 khách đi: 700.000đ/tàu
- Từ 31 – 40 khách đi: 800.000đ/tàu
- Từ 40 khách đi trở lên: 900.000đ/tàu
Lưu ý: Mức giá thuê tàu chính xác sẽ phụ thuộc vào thời điểm thuê tàu, và chủ tàu.
Phiên chợ có gì thú vị?
1. Mua bán theo phương thức “4 treo” độc đáo
Với sự đa dạng về mặt hàng hóa, việc buôn bán trên sông Cần Thơ từng gặp nhiều khó khăn khi chợ có không gian quá rộng, tiếng máy và tiếng người hòa lẫn vào nhau làm lấn át đi tiếng rao. Chính vì thế, phương thứ “4 treo” xuất hiện nhằm giúp cho người bán lẫn người mua dễ dàng nhận biết được ghe xuồng gần đó đang buôn bán gì.
- Treo gì bán nấy: Ghe bán hàng gì thì treo sản phẩm đó lên cây bẹo.
- Treo mà không bán: Nhiều ghe treo quần áo, đồ dùng nhưng không bán, mà là treo để phơi nắng.
- Không treo mà bán: Những chiếc ghe nhỏ bán đồ ăn thường sẽ đi gần đến những ghe lớn để mời chào trực tiếp chứ không cần treo.
- Treo cái này nhưng bán cái khác: Nếu thấy ghe treo một tấm lá lợp nhà, thì thứ chủ ghe muốn bàn là chiếc ghe chứ không phải tấm lợp.
Người dân buôn bán với nhau từ ghe này qua ghe khác bằng cách tung hứng hoặc chuyền tay các món đồ. Hoà mình vào không khí của buổi chợ, bạn có thể tìm hiểu cuộc sống sông nước của người dân, trên những “căn hộ di động” với đầy đủ tivi, bếp nấu, cây cảnh…
2. Thưởng thức ẩm thực trên sông
Để phục vụ cho người dân địa phương cũng như du khách, có rất nhiều chiếc ghe nhỏ len lỏi khắp con sông bán điểm tâm sáng trên ghe như cháo, cơm sườn, hủ tiếu, bún riêu, bún xào… và các loại thức uống như trà, cà phê, dừa dứa, dừa xiêm, sữa đậu nành… Và đừng ngạc nhiên khi bạn thấy một quán nhậu ngay trên sông nhé!
Trong vô vàn món ngon được bán tại đây, hủ tiếu lắc là món đặc sản bạn phải thử. Cách ăn rất thú vị, khách mua một tô hủ tiếu ăn ngay ở đấy. Không có bàn ghế như ở trên bờ, món hủ tiếu này ngồi trên thuyền chao đảo, lắc qua lắc lại, người ta gọi là hủ tiếu lắc.
Bên cạnh đó, cà phê kho với câu chuyện là khi bán cà phê ở dưới sông, khúc nào gió cũng nhiều, cà phê chế ra rất mau nguội, do đó người ta sẽ có 1 cái bếp và đun củi với lửa liu riu để giữ nóng cà phê nên nó có tên gọi như vậy đấy.
3. Ăn trái cây thoả thích tại miệt vườn bên sông
Sau khi khám phá chợ nổi Cái Răng, du khách không nên bỏ lỡ cơ hội tham quan miệt vườn trái cây gần đó. Với mức phí vào cổng chỉ 15.000 đồng cho 1 khách, bạn sẽ được chiêm ngưỡng vườn trái cây trĩu quả, xanh mướt vô cùng thích mắt.
Bạn sẽ được thưởng thức một dĩa hoa quả bé có khoảng 4-5 loại tùy theo mùa (cái này đã nằm trong phí thu lúc đầu). Nếu bạn muốn mua trái cây ở đây thì có thể nói với chủ vườn, mua bao nhiêu tính bấy nhiêu, giá phải chăng. Miệt vườn trái cây là một trải nghiệm độc đáo và thú vị cho mọi du khách yêu thích ẩm thực và văn hóa miền Tây.
4. Lò kẹo dừa quê tôi
Lò kẹo dừa Quê Tôi là một địa điểm du lịch thú vị có thể thuận tiện ghé thăm từ chợ nổi hoặc vườn trái cây. Tại đây, bạn sẽ có cơ hội khám phá quy trình làm kẹo dừa truyền thống, món quà ăn vặt thơm ngon không thể thiếu trong tuổi thơ của mỗi người.
Ở đây không mất vé vào, sau khi tham quan và “xin” cô chú tham gia một số công đoạn trong quy trình làm kẹo dừa như: quấy hỗn hợp làm kẹo đang sôi trên bếp lửa, gói kẹo… bạn có thể đến thăm gian hàng lưu niệm và mua một số món quà làm kỉ niệm. Và đừng quên mua một chút kẹo dừa Cần Thơ cho người ở nhà nhé!
5. Tập làm hủ tiếu tại lò hủ tiếu truyền thống
Lò hủ tiếu truyền thống là điểm du lịch hấp dẫn khi đến với Cần Thơ. Đến đây, bạn có thể tham quan quy trình làm hủ tiếu truyền thống và thưởng thức món “Pizza hủ tiếu” độc đáo có 1-0-2.
Bạn sẽ được xem quy trình làm hủ tiếu truyền thống từ nấu bánh tráng, phơi khô, rồi cắt bánh thành từng sợi hủ tiếu. Ngoài xem các cô chú, bạn cũng có thể tận tay tham gia vào một số bước trong quá trình sản xuất hủ tiếu. Màu sắc của đa dạng loại hủ tiếu hoàn toàn tự nhiên được làm từ các nguyên liệu như màu đỏ từ gấc, màu xanh lá từ lá dứa, màu trắng từ bột gạo.
6. Nghe đờn ca tài tử miền sông nước Nam Bộ
Một trong những điều đặc biệt nhất của chợ nổi là vào mỗi dịp cuối tuần Đoàn hát của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Cần Thơ sẽ biểu diễn trên những con thuyền dọc sông Hậu, mang đến trải nghiệm đậm chất Nam Bộ.
Vừa lắng nghe những giai điệu đậm chất Nam Bộ, vừa ngắm khung cảnh sinh hoạt “thường ngày” của một ngôi chợ nổi, ngồi trên con thuyền dọc dòng sông Hậu, bạn sẽ cảm nhận được sự bình yên, thú vị của vùng đất này.
Yên bình, mộc mạc và phảng phất vẻ đẹp giản dị vốn có, những phiên chợ nổi đem đến cho những ai tới Cần Thơ một trải nghiệm đầy chân thật. Đây chắc chắn là điểm đến lý tưởng cho mọi người đi “trốn” cuộc sống ồn ào, đầy khói bụi của thành phố.