Tết Nguyên Đán là ngày tết cổ truyền của Việt Nam, song ở mỗi vùng miền đều có những hình thức ăn tết khác nhau, Giữa miền Bắc, Trung và miền Nam từ lâu đã có những nét đặc trưng riêng. Hãy cùng Sakos khám phá sự đa dạng trong ẩm thực Tết 3 miền bạn nhé!
1. Miền Bắc
Người Bắc có câu: Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh… Không có thịt mỡ, không có dưa hành, không có bánh chưng là không phải ngày Tết.
Theo quan niệm dân gian, trời tròn, đất vuông. Bánh chưng có hình vuông tượng trưng cho đất. Bên ngoài của bánh gói bằng lá dong, bên trong là gạo nếp, đậu xanh và thịt heo. Nhiều nhà còn sử dụng cốm để làm bánh chưng có màu xanh bắt mắt.
Vào những ngày cuối năm, các thành viên trong gia đình thường tụ họp và cùng nhau gói bánh. Khoảng thời gian cả nhà chờ bánh chín bên bếp lửa hồng cũng là những phút giây ấm áp để gợi nhắc nhiều câu chuyện đẹp trong năm.
Trên mâm cỗ cổ truyền của người Hà Nội không thể thiếu món giò lụa và thịt gà có mấy sợi lá chanh ở trên. Ngoài ra, người miền Bắc còn có món thịt đông ăn trong ba ngày Tết, đây là món ăn dễ làm lại rất phù hợp với khí hậu lạnh…
Nguyên liệu làm thịt đông thường là phần chân giò heo, bên cạnh đó là cà rốt, mộc nhĩ, bì heo, hạt tiêu… Thịt chân giò cùng các nguyên liệu kèm theo được ninh nhừ, sau đó để đông đặc lại giống món thạch vừa đẹp, ăn lại ngon miệng, phù hợp ngày Tết.
Trên mâm cơm cúng gia tiên hay mâm cơm sum vầy ngày Tết ở miền Bắc không thể không nhắc đến món giò lụa. Thành phần chính của món ăn này là thịt thăn heo xay nhuyễn. Món ăn ngon nhất khi dùng cùng nước mắm cốt cá đậm đà. Giò lụa được quấn chặt trong lá chuối tươi sau đó luộc chín. Những miếng giò thoảng mùi lá chuối, ngọt vị thịt, làm nên hương vị ngày Tết truyền thống.
Gia vị làm nên nét đặc trưng của Tết Nguyên đán miền Bắc là món dưa hành (hay hành muối). Mâm cơm Tết sẽ chẳng trọn vẹn nếu thiếu đi vị thơm nồng, chua cay, của những củ hành muối giòn sần sật. Dưa hành thường ăn kèm cùng bánh chưng, thịt đông… Vị chua, cay của món ăn này giúp bạn đỡ ngán khi dùng nhiều đồ nếp, thịt hay thực phẩm dầu mỡ.
Canh miến măng cũng làm nên nét đặc trưng riêng cho vị Tết. Món ăn này có nhiều kiểu chế biến khác nhau, nhưng nguyên liệu bắt buộc phải có là măng khô xé nhỏ, được nấu thơm phức. Bên cạnh măng, bát canh còn có nhiều thành phần khác như nấm hương, mộc nhĩ, sườn non… Canh măng thường được nấu kèm cùng miến và nước dùng từ nước luộc gà.
Ngoài canh măng, người miền Bắc có thể thay thế bằng món canh bóng thả được làm từ bóng bì, su hào, cà rốt, đậu Hà Lan, giò lụa, trứng thái chỉ, tôm nõn, thịt thăn…
Gà luộc là món ăn có mặt trong mâm cúng giao thừa. Gà phải chọn con trống, chắc thịt, được luộc thật khéo để gà không bị nứt và da vàng tươi. Khi lên mâm, gà được chặt khéo léo để khi xếp lại vẫn thành hình.
2. Miền Trung
Ở miền Trung và miền Nam, ngày Tết gói bánh tét. Bánh tét được gói bằng lá chuối với các nguyên liệu giống như bánh chưng, chỉ khác là gói thành hình trụ dài chứ không phải hình vuông như bánh chưng. Khi ăn cắt thành từng khoanh, ở giữa nhân đậu xanh và thịt mỡ nổi lên như nhụy hoa. Bánh tét được coi là dạng nguyên thủy của bánh chưng. Là biểu tượng cho tín ngưỡng phồn thực của người Việt xưa.
Trong không khí rộn ràng của xuân mới, người miền Trung náo nức chào xuân với hương thơm của bánh tét, của dưa món, của nem chua, của tré, của thịt giầm bên cành mai vàng sắc nắng. Lát bánh tét dẻo mềm, được ăn kèm với những lát dưa món giòn giòn, đậm đà đem đến cho người ăn cảm giác ngon miệng rất khó quên, khiến bao người con xa xứ nhớ nhung mỗi độ xuân về.
Tôm chua có ở nhiều nơi, song ngon nhất phải kể đến xứ Huế. Đặc sản nổi bật hương vị chua cay, ngọt bùi của tôm chua, thịt, riềng, tỏi, ớt bột, nước mắm. Mọi dịp lễ, Tết, người Huế thường ăn tôm chua kèm cơm nóng, các loại gỏi cuốn hoặc chấm thịt heo luộc thái mỏng.
Với món thịt heo ngâm nước mắm, từng hũ thịt to được để ngâm 3 ngày cho thịt ngấm rồi mới đem ra dùng ngày Tết. Khi bày ra mâm, người nội trợ thái mỏng thịt heo ra ăn kèm dưa món, rau thơm hoặc cuốn cùng bánh đa nem.
Nếu người miền Bắc có món giò mỡ, giò lụa thì trên bàn tiệc sum họp gia đình và thiết đãi khách của người miền Trung không thể thiếu chả bò truyền thống. Chả bò chuẩn vị có mùi thơm nồng với tiêu đen kèm vị dai, giòn, cay nhẹ.
3. Miền Nam
Nếu bánh chưng là nét đặc trưng ngày Tết của miền Bắc, bánh tét lại là thứ quà không thể thiếu ở miền Nam. Bánh tét miền Nam có những nguyên liệu rất đa dạng và đẹp mắt. Mỗi một loại bánh tét lại có cách kết hợp nguyên liệu, tạo hình và màu sắc khác nhau. Bánh tét có lớp mềm và dẻo được bao bọc bởi nhiều lớp lá chuối, nhìn rất giống hình ảnh người mẹ đang ôm lấy con của mình. Bởi lẽ vì thế mà bánh tét mang ý nghĩa sum vầy, đậm giá trị tình thân.
Người miền Nam cũng thường chuẩn bị dưa hấu, canh khổ qua, lạp xưởng vào dịp Tết với quan niệm đây là những món ăn mang lại may mắn cho năm mới. Ngoài ra, mâm cơm ngày Tết ở đây còn có thịt kho hột vịt, tôm khô củ kiệu…
Canh khổ qua mang ý nghĩa cầu mong khó khăn đi qua, đón thuận lợi và may mắn cho một năm mới đến. Theo quan niệm xưa, khổ qua được chọn là những trái có màu xanh đậm, suôn dài và thật đều nhau, thể hiện sự tròn vẹn, viên mãn. Món ăn này tuy có vị hơi đắng nhưng lại tốt cho sức khoẻ, nhất là trong dịp Tết. Món canh được chế biến từ những trái khổ qua được làm sạch ruột sau đó dồn hỗn hợp thịt băm nhuyễn cùng nấm mộc nhĩ, bún tàu và nêm nếm gia vị rồi đem nấu chín.
Nếu ở miền Bắc có thịt đông, thì các gia đình miền Nam lại quây quần bên mâm cơm không thể thiếu thịt kho tàu. Món ăn đòi hỏi sự tỉ mỉ, tinh tế của người nấu từ cách chọn thịt, khâu ướp gia vị đến thời điểm thêm nước dừa để thịt kho mềm và có màu nâu vàng sóng sánh. Thịt, trứng với vị đậm đà, màu sắc bắt mắt mang ý nghĩa ấm cúng, sum vầy. Hột vịt trong món ăn không cắt ra mà để nguyên còn có ngụ ý một năm mới đủ đầy, trọn vẹn cho gia chủ.
Một món ăn kèm không thể thiếu trong các bữa ăn của người miền Nam vào dịp Tết là củ kiệu tôm khô. Vị chua của củ kiệu giúp cho các món ăn chính đỡ ngán hơn. Người miền Nam thường dùng củ kiệu muối ăn kèm tôm khô, thịt kho tàu.
Nói về món mứt Tết quen thuộc, phải nhắc đến mứt dừa. Để có món mứt dừa ngon, người làm nên chọn quả dừa không quá non hoặc già để việc nạo dừa được dễ dàng và đảm bảo sợi mứt mềm, không bị dai hoặc khô. Những loại mứt dừa với màu sắc khác nhau như trắng, hồng, vàng… góp phần tô điểm mâm cỗ ngày Tết thêm sinh động. Ngoài ra, ngày Tết ở miền Nam còn có các loại mứt trái cây đa dạng như mứt me, mứt mãng cầu, mứt củ năng hoặc kẹo thèo lèo và kẹo chuối…
Mâm cúng ngày Tết miền Nam cũng không thể thiếu gà trống luộc. Sau khi cúng, nếu không chặt miếng chấm muối ớt, gà có thể xé nhỏ để trộn gỏi.
Trên đây là hương vị trong mâm cỗ Tết 3 miền Bắc – Trung – Nam mà Sakos giới thiệu đến bạn. Nếu có dị ghé thăm và đón Tết ở các vùng miền khác nhau trên đất nước Việt Nam, bạn hãy thử khám phá trọn vị Tết trong những mâm cỗ cổ truyền này nhé!