Hằng năm, miền Tây diễn ra rất nhiều lễ hội đặc sắc, thu hút đông đảo dân địa phương và du khách gần xa. Trong đó, có Lễ hội đua ghe ngo của người Khmer.
Miền Tây Nam Bộ là nơi sinh sống của nhiều dân tộc như Kinh, Chăm, Hoa và Khmer. Vì vậy, hằng năm, có rất nhiều lễ hội miền Tây đặc sắc diễn ra, mang nhiều nét văn hóa độc đáo riêng của mỗi dân tộc như Lễ tạ ơn (Asura), Lễ Ramadan của người chăm, Lễ Sen Dolta, Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của người Khmer…
Một trong những lễ hội đặc sắc nhất của đồng bào người dân tộc Khmer miền Tây được biết đến chính là Đua ghe Ngo, hoạt động diễn ra thường niên tại tỉnh Sóc Trăng, thu hút hàng ngàn người từ nhiều nơi đổ về để theo dõi trực tiếp.
1/ Lễ hội đua ghe ngo ở miền Tây là gì?
Đồng bào Khmer ở Nam Bộ tổ chức lễ hội Ok Om Bok, còn gọi là lễ cúng Trăng hay lễ “Ðút cốm dẹp” vào dịp trăng tròn của tháng 10 âm lịch. Ðây là một trong những lễ hội lớn trong năm cùng với Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay, lễ Sene Dolta (cúng ông bà).
Đua ghe ngo là hoạt động cộng đồng nằm trong khuôn khổ Lễ hội Óc Om Bóc tỉnh Sóc Trăng diễn ra hằng năm của đồng bào người dân tộc Khmer tại Việt Nam nói chung, tại khu vực các tỉnh miền Tây Nam Bộ nói riêng.
Ghe Ngo trong tiếng Khmer gọi là Tuk Ngô, được bà con sử dụng để bơi đua với nhau tại mỗi dịp Lễ hội Ok Om Bok Sóc Trăng nhằm mục đích cầu mong cho một năm trồng trọt, chăn nuôi đạt năng suất cao.
Đây được xem là hoạt động rước nước đặc trưng gắn liền với sản xuất nông nghiệp của người Khmer. Đua ghe Ngo Sóc Trăng trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đồng bào Khmer tiếp tục gìn giữ, phát huy lễ hội truyền thống đặc sắc này.
2/ Nguồn gốc Lễ hội đua ghe ngo?
Theo truyền thuyết, sự xuất hiện của ghe Ngo là để phục vụ nhu cầu chiến trận trên biển và các con sông. Người Khmer đã chế ra một loại thuyền thân thon dài, chở được nhiều binh lính, đầu ngóc lên tiến về phía trước, tiện lợi cho việc di chuyển trên sông nước để giết kẻ thù. Nhờ loại ghe này mà người Khmer đã bảo vệ được đất nước của mình. Mãi đến con cháu đời sau, nhân ngày lễ hội Ok Om Bok đã tổ chức đua ghe Ngo nhằm để tưởng nhớ chiến công anh dũng của tổ tiên ngày trước.
Ngoài ra, còn một lý giải khác về sự ra đời của Lễ hội đua ghe ngo Sóc Trăng là quá trình người Khmer mô phỏng hình dáng loài rắn Naga để chống lại các loài thủy quái vào thời kỳ khai phá vùng đất Nam Bộ.
3/ Đến đâu và vào thời điểm nào để xem lễ hội này?
Lễ hội đua ghe ngo Sóc Trăng được tổ chức sau Lễ Cúng Trăng vào rằm tháng 10 âm lịch hằng năm. Các địa phương có cộng đồng người dân tộc Khmer thường có các hoạt động đua ghe ngo ở khu vực mình sinh sống. Do đó, có rất nhiều lễ hội Đua ghe ngo diễn ra ở các địa phương khác nhau tại miền Tây.
Tuy nhiên, Lễ hội Đua ghe ngo diễn ra trên sông Maspero ở trung tâm Thành phố Sóc Trăng luôn là nơi thu hút nhiều người đến xem nhất. Lễ hội đua ghe ngo gồm hai loại là đua trên cạn và đua dưới nước, thể hiện qua 2 hình thức là Nghi thức hạ thủy và Hội đua ghe Ngo. Đua ghe Ngo dưới nước là hoạt động được nhiều người mong đợi nhất sau Lễ thả đèn nước Lôi Prôtip.
Giải đua ghe Ngo năm 2024 diễn ra vào 2 ngày 14-15/11 tại khán đài đường đua ghe Ngo, quy tụ 60 đội ghe Ngo trong và ngoài tỉnh Sóc Trăng. Trong đó, có 7 đội ghe Ngo nữ tham gia tranh tài. Đây là hoạt động thu hút cái đội ghe ngo mạnh đến từ tất cả các tỉnh miền Tây Nam Bộ có người Khmer sinh sống nên luôn nhận được sự quan tâm lớn của du khách thập phương.
4/ Có gì bên cạnh các giải đấu Đua ghe ngo?
Ngoài hoạt động chính là đua ghe ngo, lễ hội lần này sẽ phục dựng lễ cúng trăng, hội thi Lôi Protip (thả đèn nước), phục dựng ghe Cà Hâu, lễ hội đường phố, hội diễn nghệ thuật quần chúng, biểu diễn nhạc ngũ âm…
Đến với Sóc Trăng dịp này, du khách còn có thể tha hồ khám phá ẩm thực miền Tây. Là người sành ăn thì không thể không hưởng thức các món ăn đặc sắc của người Khmer Nam Bộ như mắm bò hóc, canh chua, canh som lo, bún nước lèo, cốm dẹp, bánh thốt nốt, nước thốt nốt,… Nếu có thời gian, bạn cũng có thể khám Sóc Trăng với nhiều địa điểm du lịch văn hóa độc đáo và đặc sắc khác.
Vì vậy, nếu là một người thích tìm hiểu, khám phá những lễ hội văn hóa truyền thống thì hãy nhanh tay xách hành lý lên và về Sóc Trăng để theo dõi lễ hội đặc sắc này ngay đi. Lễ hội Đua ghe ngo thu hút tới hàng ngàn khán giả đến cổ vũ các đội ghe, vì vậy, bạn nên sắm cho mình một chiếc balo xịn sò và chắc chắn để đựng các món đồ cần thiết khi ra khán đài cổ vũ nhé!