Đăng bởi

Tìm hiểu văn hoá Bắc Bộ qua 11 làng nghề Hà Nội

Tìm hiểu văn hoá Bắc Bộ qua 11 làng nghề Hà Nội

Trải qua biết bao nhiêu thăng trầm, biến cố, các làng nghề ở Hà Nội vẫn giữ được nét đẹp riêng, góp phần làm nên vẻ đẹp của mảnh đất ngàn năm văn hiến. Những làng nghề truyền thống ấy nổi tiếng là điểm đến thú vị cho bạn trong những chuyến đi cuối tuần khám phá Thủ đô.

1. Làng mây tre đan Phú Vinh

Làng nghề truyền thốngHà Nội có lịch sử gần 400 năm thuộc thôn Gò Đậu, xã Phú Nghĩa, Chương Mỹ. Hầu hết các gia đình đều gắn bó với nghề từ lâu đời, các sản phẩm làm ra phục vụ cho cuộc sống hàng ngày cho đến đồ trang trí, túi xách,… rất đa dạng mà lại còn đẹp mắt.

Tìm hiểu văn hoá Bắc Bộ qua 11 làng nghề Hà Nội

Làng nghề này được hình thành từ khoảng năm 1700, với tên gọi ban đầu là Phú Hoa Trang, mang ý nghĩa “trời phú cho nhân dân đôi bàn tay lụa”. Những người dân tại làng đã truyền dạy nghề đan mây tre từ đời này sang đời khác, bao thế hệ gắn bó với cây tre và mây.

Tại đây, bạn có cơ hội tham quan khu trưng bày sản phẩm đan mây tre đa dạng, từ lẵng mây, bát mây, tranh chân dung, cho đến bàn, ghế, và nhiều sản phẩm thủ công khác. Du khách cũng có thể tận mắt quan sát quy trình sản xuất mây tre đan, trò chuyện cùng các nghệ nhân.

Địa chỉ: Gò Đậu, xã Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội

2. Làng chuồn chuồn tre Thạch Xá

Làng Thạch Xá yên bình nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km về phía Tây. Cảnh quan xanh mướt, rừng cây tre bao phủ và những chiếc chuồn chuồn tre độc đáo khiến làng trở thành điểm đến thu hút cả người lớn và trẻ nhỏ.

Tìm hiểu văn hoá Bắc Bộ qua 11 làng nghề Hà Nội

Bạn sẽ có cơ hội ngắm nhìn “thế giới” chuồn chuồn tre rực rỡ sắc màu, được tạo hình vô cùng cầu kỳ. Hơn thế, bạn còn có thể trải nghiệm tự tay làm một chú chuồn chuồn xinh xắn. Với nhiều kích thước khác nhau, chuồn chuồn tre tại đây được bán với mức giá từ 3.000 – 10.000 đồng.

Bên cạnh chuồn chuồn tre, làng Thạch Xá còn cung cấp nhiều sản phẩm khác như đèn trang trí, đèn ngủ bằng tre, bươm bướm tre,… Do đó, Làng Thạch Xá được xem là cái nôi cho ra đời những món quà tuổi thơ.

Địa chỉ: dưới chân núi Tây Phương (xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội)

3. Làng nón Chuông

Nằm nép mình bên dòng sông Đáy hiền hòa, làng Chuông quê hương của những chiếc nón che nắng, che mưa cho mẹ, cho bà. Đến đây, bạn sẽ ngắm nhìn các sản phẩm nón đa dạng kiểu dáng, màu sắc, chẳng hạn như: nón quai thao, nón chuông, nón tơi cho đến nón dấu,…

Tìm hiểu văn hoá Bắc Bộ qua 11 làng nghề Hà Nội

Nón làng Chuông nổi danh từ lâu, không chỉ được các chàng trai hay cô gái sử dụng hàng ngày mà còn được biết đến như là cống vật cung tiến cho triều đình. Đặc biệt, người dân của làng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống là họp chợ vào các ngày cố định trong tháng là 4,10, 14, 20, 24 và 30.

Địa chỉ: Đường Làng Chuông, Phương Trung, Thanh Oai, Hà Nội

4. Làng rối nước Đào Thục

Làng nghề rối nước Đào Thục thuộc xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh. Lịch sử có gần 300 năm, đã gìn giữ và phát triển bộ môn nghệ thuật dân gian rối nước do Ông tổ nghề là Nguyễn Đăng Vinh – Nội giám thời nhà Lê truyền lại từ thời Hậu Lê.

Đến đây, du khách không chỉ được tìm hiểu về lịch sử hình thành nghề rối nước mà còn được thưởng thức nhiều tiết mục múa rối vô cùng đặc sắc. Đặc biệt, những câu chuyện về chiến thắng Điện Biên Phủ và Rước ảnh Bác Hồ cũng được tái hiện một cách sống động.

Tìm hiểu văn hoá Bắc Bộ qua 11 làng nghề Hà Nội

Bạn có thể ghé thăm hậu trường buồng trò để xem những nghệ nhân điều khiển rối nước. Bên cạnh đó, bạn còn có cơ hội tìm hiểu quá trình làm rối nước, cách điều khiển rối, và tự mình thử điều khiển rối. Ngoài ra, nơi này cũng có những gian hàng bày bán các sản phẩm thủ công làm từ gỗ để bạn mua về làm quà.

Địa chỉ: xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội

5. Làng nhạc cụ dân tộc Đào Xá

Xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa có làng nghề trứ danh làm dân nhạc cụ dân tộc. Điều đặc biệt là những người làm nghề nhạc cụ tại đây không có kiến thức về âm nhạc, tuy nhiên họ lại làm được những cây đàn với âm hưởng trầm bổng.

Tìm hiểu văn hoá Bắc Bộ qua 11 làng nghề Hà Nội

Đây là nơi sản sinh ra các nhạc cụ dân tộc cổ truyền đàn bầu, đàn nguyệt, đàn tỳ bà, đàn đáy, cây hồ, cây líu,…Đến đây, du khách sẽ được tìm hiểu về lịch sử của làng nghề cũng như lắng nghe âm thanh của tiếng nhị, tiếng đàn phát ra từ những người thợ chế tác.

Địa chỉ: làng Đào Xá, xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, Hà Nội

6. Làng miến Cự Đà

Điều đặc biệt về miến Cự Đà là sợi miến có màu vàng óng hoặc trắng mịn, đặc biệt dễ nhận biết. Để làm ra miến, người làng Cự Đà phải sử dụng bột rong riềng nguyên chất, được lấy từ các vùng như Bắc Kạn, Lai Châu, Sơn La và Mộc Châu.

Tìm hiểu văn hoá Bắc Bộ qua 11 làng nghề Hà Nội

Miến Cự Đà nức danh gần xa bởi độ giòn dai, thơm ngon và màu vàng óng ả. Nhờ các công đoạn chế biến tỉ mỉ, kỹ lưỡng mà miến dong ở đây luôn đảm bảo chất lượng. Đến đây, du khách sẽ được tìm hiểu về các công đoạn làm miến. Đồng thời khám phá thêm nhiều kiến trúc cổ kính khác tại ngôi làng 400 tuổi Cự Đà.

Địa chỉ: xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội

7. Làng hương Quảng Phú Cầu

Mặc dù có tuổi đời hơn 100 năm, tuy nhiên làng hương Quảng Phú Cầu vẫn giữ được nét đẹp cổ kính của làng quê Bắc Bộ. Nơi đây trở thành địa điểm cung cấp tăm hương chủ yếu của các tỉnh khu vực phía Bắc.

Tìm hiểu văn hoá Bắc Bộ qua 11 làng nghề Hà Nội

Vừa đặt chân đến nơi này, không ít du khách đã bị mê hoặc bởi hình ảnh những chân hương đỏ rực phủ kín khắp các đường lớn, ngõ nhỏ. Tăm hương được thợ xếp ngay ngắn thành bó, trải xòe to như những bông hoa đang vào độ nở rộ.

Khi đến thăm làng hương Quảng Phú Cầu, bạn sẽ có cơ hội tìm hiểu về quy trình sản xuất hương truyền thống và tham gia vào các hoạt động sản xuất hương. Đặc biệt, tha hồ sống ảo với khung cảnh truyền thống cực kỳ nên thơ ở nơi đây.

Địa chỉ: xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội

8. Làng kim hoàn Định Công

Qua hơn 1500 năm lịch sử, làng kim hoàn Định Công là một viên ngọc quý của Hà Nội, được hình thành từ thời Lý Nam Đế, bởi ba anh em họ Trần, Trần Điền, Trần Điện, và Trần Hòa. Họ là những người thợ làm đồ vàng bạc tài hoa, đã tạo nên tên tuổi cho làng nghề Định Công.

Tìm hiểu văn hoá Bắc Bộ qua 11 làng nghề Hà Nội

Làng nằm nép mình bên bờ sông Tô Lịch và nổi tiếng với nhiều sản phẩm đậu bạc như khuyên tai, nhẫn, lắc tay, lắc chân…Tuy làng Định Công đã trải qua những khó khăn sau năm 1954, nhưng nghề truyền thống đã được khôi phục nhờ sự đổi mới và sáng tạo của nghệ nhân Quách Văn Trường.

Sau nhiều biến cố thăng trầm, nghề cũng bị mai một dần, tuy nhiên hiện nay vẫn có một số người gắn bó và dành nhiều tâm huyết truyền dạy cho những người muốn theo học. Nếu bạn đam mê những đồ trang sức lấp lánh, không gì tuyệt vời hơn là khám phá làng kim hoàn Định Công.

Địa chỉ: Phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội

9. Làng gốm Bát Tràng

Nằm cách trung tâm thành phố khoảng 13km, Bát Tràng là nơi sở hữu những người thợ thủ công lành nghề. Làng gốm được hình thành từ thời kỳ nhà Lý, trải qua hơn 500 năm tồn tại đến tận ngày nay.

Tìm hiểu văn hoá Bắc Bộ qua 11 làng nghề Hà Nội

Gốm Bát Tràng nổi tiếng bởi mẫu mã đa dạng, chất lượng cao và hoa văn thiết kế tinh tế. Đến đây, du khách có thể mua nhiều sản phẩm như: bình hoa, ấm chén, chuông gió… Cùng với đó, bạn có thể tự tay làm đồ gốm riêng cho mình.

Ngoài ra, bạn có thể đi dạo trên con đường nhỏ hẹp, ngắm nhìn những người thợ làm gốm như múa ra tác phẩm. Check in với Bảo tàng Gốm được xây theo hình xoáy ốc độc đáo, giá vé 30.000đ/người.

Địa chỉ: làng Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội

10. Làng quạt Chàng Sơn

Làng quạt Chàng Sơn là một trong những làng nghề truyền thống nổi tiếng tại Hà Nội. Cách trung tâm Hà Nội 30km về phía Tây Bắc, làng quạt Chàng Sơn sẽ là nơi đưa bạn vào một thế giới xinh đẹp, đậm giá trị văn hóa Bắc Bộ.

Tìm hiểu văn hoá Bắc Bộ qua 11 làng nghề Hà Nội

Những chiếc quạt ở đây rất chất lượng, có hình dáng độc đáo cùng màu sắc bắt mắt, được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau như tre, vải, lụa, giấy,…Bên cạnh làm quạt, ở đây còn nổi danh với nghề làm tượng Phật, làm mộc chạm trổ tinh xảo cho đền chùa, làm rối nước,… 

Đặc biệt, những hình vẽ thể hiện trên mỗi chiếc quạt Chàng Sơn đều đại diện cho một danh lam thắng cảnh nổi tiếng hay những câu chuyện lịch sử kể về các vị anh hùng dân tộc. Qua đó, các nghệ nhân làm quạt đang muốn lan tỏa những tinh hoa văn hóa của đất nước Việt Nam đến khắp năm châu bốn bể.

Địa chỉ: xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội