Không hề sở hữu nhà cao tầng hay những khu trung tâm thương mại hiện đại, sầm uất, Làng Lô Lô Chải lưu giữ biết bao giá trị văn hóa cộng đồng của các tộc người trên cao nguyên đá Đồng Văn xinh đẹp. Lô Lô Chải ngày càng trở nên hấp dẫn trong mắt du khách trong và ngoài nước.
Làng Lô Lô Chải ở đâu?
Lô Lô Chải nằm dưới chân núi Rồng, cách Cột Cờ Lũng Cú 1 km thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Mảnh đất vùng viễn biên, nơi những gia đình người Lô Lô, người H’Mông sinh sống và bám rễ.
Sở hữu địa hình gồ ghề, đường xá đi lại khó khăn, lại thêm khí hậu khắc nghiệt nên làng Lô Lô Chải dường như thu mình lại; các dân tộc thiểu số tại đây sinh sống theo phương thức tự cung tự cấp với nghề nông.
Thưởng ngoạn khung cảnh cổ tích của làng Lô Lô Chải
Giữ núi rừng trùng điệp nơi cực Bắc Tổ quốc, thôn Lô Lô Chải, nơi sinh sống của phần lớn đồng bào người Lô Lô (một trong những dân tộc rất ít người ở Việt Nam) hiện lên bình yên, thơ mộng, cổ kính với những ngôi nhà cổ hàng trăm tuổi, nhà trình tường, mái ngói âm dương, hàng rào đá.
Lạc bước vào ngôi làng cổ tích này, du khách được chiêm ngưỡng một khung cảnh tuyệt đẹp màu xanh thăm thẳm lọt thỏm giữa những triền đá tai mèo sắc nhọn. Cảnh đẹp ở Lô Lô Chải còn được tạo nên bởi các mùa hoa quanh năm như Hoa Đào, Mận, Lê, Cải, Tam giác mạch, cúc dại và các loại hoa cảnh quan khác.
Khám phá sắc màu văn hoá đặc trưng
Đồng bào Lô Lô vẫn lưu giữ vẹn nguyên những nét văn hoá của dân tộc mình qua năm tháng, người Lô Lô vẫn tự hào là có nền văn hóa rất nổi bật và mang dấu ấn riêng.
Thôn Lô Lô Chải chính là nơi duy nhất còn lưu giữ được đầy đủ, sống động đời sống vật chất, tinh thần của người Lô Lô ở Cao nguyên đá, từ kiến trúc nhà trình tường mái lợp ngói máng hay các nghề thuyền thống như thêu, làm mộc…
Họ còn tổ chức các lễ hội truyền thống như lễ cúng thần rừng, lễ mừng lúa mới, lễ mừng nhà mới và đặc biệt là các điệu múa dân gian. Ngoài ra, du khách tới đây thường hiếu kỳ với bộ đôi trống đồng – một đực, một cái – được coi là nơi duy nhất và nền văn hóa duy nhất trên thế giới hiện còn sử dụng trống đồng cổ trong thực tế cuộc sống.
Ăn chơi đậm chất dân bản Lô Lô
1. Welcome Cafe Cực Bắc
“Cafe Cực Bắc” là điểm nổi tiếng mà giới phượt thủ thường ghé lại nhâm nhi tách cà phê và cảm nhận văn hóa vùng cao tên là “Cà phê Cực Bắc”, hứa hẹn rằng sẽ là điểm sống ảo cực chất cho bất kỳ vị khách hiếu kỳ nào ghé qua.
Dân du lịch đến cao nguyên đá Đồng Văn ai cũng cố mò đến đó để được ngồi tĩnh lặng đếm giọt sầu rơi qua phin lọc cà phê, để đắm mình trong cảm giác chiều tà vùng quan tái. Quán này của ông Yasushi Ogura, một người Nhật mê đắm Việt Nam.
2. Thưởng thức ẩm thực vùng cao
Người ta đồn rằng, tới làng cổ tích Lô Lô Chải nhất định phải chọn mùa đông. Khi này, màu trời xanh lam nhẹ, mùa đông dù khắc nghiệt nhưng vẫn đủ khiến con người ta vui thú khi được ngồi quây quần xì xụp ăn lẩu thắng cố, nhấm nháp chút rượu ngô.
Còn may mắn hơn tới đây vào dịp Tết cổ truyền, bạn sẽ được trải nghiệm một đêm giao thừa đặc biệt. Vào đêm 30, người dân cùng nhau ra ngoài lấy may, nếu có gặp nhau cũng không cần hỏi thăm, cứ lặng lẽ bình yên như vậy.
3. Thử trang phục người Lô Lô
Đến Lô Lô Chả, bạn có thể bắt gặp những cô gái trẻ và cả những phụ nữ trung niên diện những bộ trang phục của dân tộc mình với màu đen chủ đạo. Trang phục của họ dù thuộc nhóm nào vẫn luôn hiện diện và tỏa sáng như tâm hồn và cốt cách của người Lô Lô sinh sống nơi cao nguyên đá suốt hàng trăm năm nay.
Du khách đến làng văn hóa Lô Lô Chải còn có thể khoác thử những bộ váy truyền thống thổ cẩm cầu kỳ, sặc sỡ, được may từ chính bàn tay khéo léo của những người phụ nữ Lô Lô.
4. Trải nghiệm chơi nhạc cụ dân tộc
Du khách cũng có thể thử chơi những nhạc cụ dân tộc như chơi trống, thổi kèn,… Đặc biệt, những ai hiếu kỳ với nhạc cụ trống đồng cổ cũng có thể thỏa sức khám phá ở Lô Lô Chải – nơi được cho là duy nhất trên thế giới còn sử dụng nhạc cụ trống đồng cổ trong đời sống.
Nơi cực Bắc Tổ quốc với cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng người Lô Lô ở Lũng Cú đã kể câu chuyện văn hoá của dân tộc mình bằng những sản phẩm du lịch hấp dẫn, dệt lên một “bức tranh” sinh động về cuộc sống.