Đăng bởi

Sứ mệnh của doanh nhân Việt Nam

Sứ mệnh của doanh nhân Việt Nam

Trong “Thư gửi các giới Công thương Việt Nam”, đăng trên báo Cứu Quốc, số 66, ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò quan trọng của lực lượng công – thương nghiệp trong công cuộc kiến thiết nền kinh tế Đất nước.

Trong “Thư gửi các giới Công thương Việt Nam”, đăng trên báo Cứu Quốc, số 66, ngày 13/10/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh có viết: “Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với các nhà tư sản Hà Nội trước Bắc Bộ Phủ, ngày 18/9/1945. Ảnh tư liệu lịch sử

Câu nói trên khẳng định vai trò quan trọng của lực lượng công – thương nghiệp trong việc kiến thiết nền kinh tế nước nhà. Đó cũng thể hiện sứ mệnh vì một Việt Nam hùng cường của các doanh nhân Việt. Gần 8 thập kỷ trôi qua, nhưng những khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân là người làm giàu cho đất nước và về sự đoàn kết và đóng góp của toàn bộ dân tộc trong công cuộc ích nước, lợi dân của người vẫn còn nguyên giá trị.

Vì vậy, thể theo đường lối chỉ đạo, chủ trương và chính sách khuyến khích phát triển, phát huy vai trò doanh nhân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 20/09/2004, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg, chọn ngày 13/10 hằng năm làm ngày tôn vinh Doanh nhân Việt Nam.

Từ đó đến nay, ngày Doanh Nhân Việt Nam 13/10 hằng năm đã trở thành một dịp quan trọng để tôn vinh và tri ân các doanh nhân ưu tú đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế bền vững của đất nước. Đặc biệt, ngày này có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện sự kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp và quốc gia, giữa lịch sử và tương lai.

Cộng đồng doanh nghiệp là một điểm sáng của nền kinh tế Đất nước

Vào ngày 4/10 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì buổi gặp mặt của Thường trực Chính phủ với các đại diện doanh nghiệp nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam.

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức để phát triển lớn mạnh và trưởng thành và đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Thủ tướng và các doanh nghiệp dự cuộc gặp mặt – Ảnh VGP/Nhật Bắc, Nguồn: Báo Điện tử Chính phủ

Người đứng đầu Chính phủ nêu một số điểm sáng cho thấy sự phát triển, vươn mình mạnh mẽ và đóng góp của các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Cụ thể là cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ; số doanh nghiệp thành lập mới không ngừng gia tăng, là một điểm sáng của nền kinh tế, phản ánh nhu cầu và nỗ lực phát triển trong bối cảnh đất nước còn đối diện rất nhiều khó khăn, thách thức.

Các doanh nghiệp, doanh nhân có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, không chỉ trong nước mà còn gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm ra khu vực và thế giới, góp phần đưa thương hiệu Việt ra toàn cầu và nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế. Hiện nay, đã có các doanh nghiệp dân tộc, tập đoàn kinh tế có quy mô lớn, giữ vai trò quan trọng, là nòng cốt, tiên phong dẫn dắt sự phát triển của các ngành, lĩnh vực và nền kinh tế, đóng góp vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương hiệu quốc gia.

Doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện 5 tiên phong

Mong muốn và tin tưởng lực lượng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam luôn thể hiện sự tiên phong trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, vì lợi ích của quốc gia và dân tộc, vì sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện 5 tiên phong:

Thứ nhất: Tiên phong thúc đẩy 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng và nhân lực).

Thứ hai: Tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đổi mới sáng tạo, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Thứ ba: Tiên phong góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế (thu đủ chi, xuất đủ nhập, làm đủ ăn, đảm bảo đủ năng lượng, cung cầu lao động đáp ứng yêu cầu phát triển).

Thứ tư: Tiên phong xây dựng quản trị doanh nghiệp hiện đại để góp phần nâng cao năng lực quản trị đất nước theo hướng thông minh, Chính phủ trong sạch, liêm chính, vì nhân dân phục vụ.

Thứ năm: Tiên phong củng cố, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, làm tốt công tác an sinh xã hội, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, không bỏ ai bị bỏ lại phía sau, góp phần vào phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, toàn diện.